CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên 2: Ngày tu tập thứ 2

Bài học đầu tiên cho ngày tu tập thứ hai được TT. Thích Đồng Trí, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM với đề tài: “Thập độ - Thập Ba la mật”. Với ngôn từ giản dị, cung cách chân thành, Thượng tọa hỏi thăm sức khỏe chư hành giả, động viên quý vị ấy cô gắng vượt qua những ngày đầu tập sự làm người xuất gia chơn chánh. Với kiến thức thâm sâu của một nhà nghiên cứu Phật học, đề tài “Thập độ” được thầy chia sẻ súc tích, bao hàm nhiều giai tầng ngữ nghĩa khác nhau.

 

Thập Ba la mật là tên gọi bao gồm cả “Lục độ Ba la mật” và “Tứ vô lượng tâm”. Đây là tâm hạnh của chư vị Bồ tát và các vị xuất gia. Nếu một người xuất gia không có những tâm lượng này, thì con đường đến bờ giác ngộ thật xa xôi diệu vợi. Ba la mật có nghĩa là đến bờ kia. Tức chúng ta đang ở bờ bên này của thế gian, chúng ta đang ngập chìm trong đau khổ và muốn thoát ra ngoài. Bờ bên kia là bờ của hạnh phúc an vui. Qua được bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) chính là đã vượt thoát bể khổ sanh tử trầm luân. 10 pháp môn này đưa chúng ta đến bến bờ an lạc, giải thoát. Thập Ba la mật bao gồm: Thí, giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, quyết định, tâm từ và xã Ba la mật

1. Thí Ba la mật: bao gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Thí nghĩa là chúng ta phải thực hành pháp vô ngã, vị tha, sống quên bản thân mình để vì niềm vui của người khác. Người đời thường tích cóp của cải, hơn thua, tranh đoạt cho đầy túi mình, người tu tập pháp giải thoát là phải biết buông bỏ, quên mình là ai, sống vì niềm vui của chúng sanh, đó là cuộc sống cao cả, dấn thân, cống hiến, phụng sự….

  • Tài thí: Nghĩa là đem những gì mình có trao tặng cho người mà không cần đền đáp, từ tiền tài, vật chất cho đến cả thân mạng này một khi đã thực tập hạnh bố thí cũng không hối tiếc.
  • Pháp Thí: Thực hành hạnh xuất gia, chúng ta đang theo dấu đức Như Lai gia nhập hàng tăng bảo, chúng ta đang nối dài cánh tay vận chuyển bánh xe chánh pháp đi khắp muôn nơi. Mang tình đời ý đạo đi vào thế gian, giúp chúng sanh hiểu đạo, hỗ trợ mọi người học giáo pháp và hành trì để đạt được an lạc, giải thoát cho mình và người.
  • Vô úy thí: là không lo sợ. Chúng ta thực tập giáo pháp để đạt được sự vững chải, thảnh thơi. Người đời có lắm buồn thương, phiền não, chúng ta an ủi, vổ về họ, giúp họ an tâm, có những lời khuyên sáng suốt dành cho họ. Cho họ niềm tin, sự tự tin, ánh mắt trìu mến, nụ cười hoan hỷ, cho họ sự vững chải thảnh thơi. Khi ban cho họ hạnh phúc cao thượng, thấy họ vui là mình hạnh phúc. Hạnh phúc là biết cho đi, biết ban tặng niềm vui, niềm tin yêu cho người khác.

2. Trì giới Ba la mật: Trong kinh đức Phật dạy: “Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, các con hãy lấy giới luật làm thầy, Dù ta có trụ ở đời hay không, điều đó không quan trọng bằng việc các con giữ đúng tinh thần của giới luật”. Người phát tâm xuất gia, họ tự biết bản thân đang đi ngược dòng đời, “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vi sanh tử sự, giáo hóa độ xuât thu”. Nghĩa là, “Một bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem trần thế, mây trắng hỏi đường qua”. Tuy nhiên, người xuất gia muốn bước lên khung trời cao rộng, muốn thiệu long thánh chủng để trấn nhiếp ma quân, hơn ai hệt họ phải tự trau dồi giới hạnh, giữ gìn oai nghi đạo đức, mới xứng đáng làm bậc thầy mô phạm của trời người.

3. Xuất gia: nghĩa là ra khỏi nhà thế tục. Có ba nghĩa: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Chúng ta rời bỏ căn nhà thế tục, sống và tu tập trong chốn thiền môn. Nhiều vị đi xuất gia, tuy đầu đã cạo nhưng tơ lòng vẫn còn đó. Hình thức đã xuất gia, hình tướng đã xuất gia, thân đã xuất gia nhưng lòng trần vẫn còn. Do vậy phải thay đổi, phải từ bỏ tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến… thì đó mới xứng đáng gọi là xuất phiền não gia. Tức chúng ta phải vừa thay đổi hình thức bên ngoài, vừa thay đổi nội tâm bên trong. Chúng ta đang mượn hoàn cảnh, đang mượn tăng thân để thay đổi nội tâm bên trong của mình, đó là xuất phiền não gia. Đã phát tâm tu rồi thì bao nhiêu chuyện trần gian xin gác lại, bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu giận hờn xin hãy bỏ qua. Đã phát tâm 7 ngày thì hãy sống trọn vẹn cho mình 7 ngày. Xuất tam giới gia là ra khỏi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Chuyện sanh lão bệnh tử của con người luôn làm ta mỏi mệt, tu tập để thoát khỏi luân hồi sanh tử, chứng vào dòng thánh quả. Đó là xuất gia Ba la mật.

4. Trí tuệ Ba la mật: Nghe pháp, tụng kinh, thực tập thiền và vấn đáp Phật pháp, giúp kiến thức, trí tuệ mở mang. Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp (duy tuệ thị nghiệp). Tu tuệ tức là từng bước học tập, từng bước giác ngộ, từng bước chuyển hóa để có được hạnh phúc chân thật cho cuộc đời mình.

5. Tinh tấn Ba la mật: Là siêng năng, nổ lực hành trì các thời khóa. Chúng ta ý thức mạng sống vô thường ngắn ngủi và đời người không bao lâu, mà cơ hội lớn là chúng ta đã làm được thân người, được gặp Phật pháp, được gặp chư tăng, nên phải tranh thủ tu tập. Điều quan trọng của kiếp người không phải là sống bao nhiêu năm, mà phải sống như thế nào cho có ý nghĩa. Sống như thế nào để tốt đạo đẹp đời, mang niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình và tha nhân. Đã có con đường, có lý tưởng, chỉ cần chúng ta tinh tấn thực hành sẽ có cơ hội bước lên bờ giải thoát. Hãy tận dụng kiếp sống này, tận dụng mạng sống này để tinh tấn tu tập, để chuyển hóa tham, sân, si, để phụng sự cuộc đời, thì khi ra đi ta không ân hận, không hối tiếc. Đời người quý nhất là thời gian, sức khỏe và cơ hội, khi chúng đã qua rồi sẽ không tìm lại được. Thế nên đức Phật mới dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát”.

6. Nhẫn nhục Ba la mật: Mỗi người hãy thử xem mình thường dễ nổi sân hay sẽ nhẫn nhục khi việc trái ý nghịch lòng ập đến. Tham sân si là căn bản phiền não ai cũng có, nhưng người tu thì phải biết nhẫn nhục, tu mà còn ăn thua đủ với đời thì đó không phải là phẩm hạnh của người tu, đó là tâm của người phàm tục. Trong 10 điều tâm niệm có câu: “oan ức không cần biện bạch”, vì càng nói lại càng thấy mình so đo thiệt hơn với đời. Hãy xem đó là nghiệp chướng, là oan gia nhiều đời, có thể đó là thiện hữu tri thức đang thử thách mình. Không nhẫn được thì tan nát, đỗ vỡ, khổ đau lập tức ập đến.

7. Tâm từ: “Từ năng hỷ lạc, bi năng bạt khổ”. Đây là hạnh của người tu, “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”. Tự độ, độ tha, tự giác, giác tha thì giác hạnh mới viên mãn.

8. Xả Ba la mật: Xả niệm thanh tịnh. Xả vật chất, lâu đài xe hơi, xả những ân tình, những món nợ đời. Tu hạnh buông xả sẽ thấy tâm nhẹ nhàng thư thái, hãy xem mợi thứ đến và đi trong cuộc đời là “nhạn quá trường không”. Con người đọa lạc, con người khổ vì con người chấp thủ, không biết hạnh buông xả. Chấp thủ nhiều thì đau khổ cũng nhiều, muốn giải thoát thì phải tự mình tháo gỡ mọi nút thắt cho nhẹ nhàng thư thái. Xa người thân, xa gia đình để đừng chấp vào người thân, gia đình. Vào chùa cũng đừng chấp đó là chùa tôi, sư phụ tôi, thực tế khi chết không mang theo được gì. Bỏ ngôi nhà nhỏ mà vào ôm ngôi nhà lớn thì tu như vậy nào có ích chi, “ở đời vui đạo hãy tùy duyên” là vậy.

Buổi chiều cùng ngày, BTC đã cung thỉnh TT. Thích Tăng Định, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì chùa Kỳ Viên, Q. 3, TP.HCM thuyết giảng và dạy phương pháp thiền Tứ Niệm Xứ. Thượng tọa cho biết: Muốn biết tâm mình đang rong ruổi đi đâu thì phải bắt được tâm của mình, biết mình đang nghỉ gì, nếu không bắt được tâm thì phiền trược, triền cái sẽ chi phối, dắt dẫn chúng ta đi. Nếu không có sự thực tập, thì tâm hồn mình dễ bị giao động trước mọi hoàn cảnh. Hôm nay quý vị xuất gia, chúng ta muốn có được hạnh phúc cao thượng, hạnh phúc của sự vắng lặng và giảm bớt sự ô nhiễm của tâm. Khi chúng ta bắt thân này ngồi yên thì nó hôn trầm, nó trạo cử. Mình sống theo bản năng, sống theo thế gian, tâm rong ruổi mãi. Hôm nay xuất gia, giới luật sẽ ngăn cản những gì chúng ta làm không đúng. Chúng ta từng bước một ngăn cản hành động, ý nghỉ sai lầm. Muốn ngăn cản được nó thì phải bắt được tư tưởng của chúng ta, bắt được tâm thì mới điều được tâm. Làm trong sạch tâm, điều được tâm, lúc đó thân và khẩu sẽ theo đó mà thanh tịnh. Khi chúng ta có chánh niệm, chánh niệm sẽ giúp ta soi sáng tâm, phân định được tầng số tâm đúng hay sai và tự điều chỉnh chúng.

 

Khi chưa đạt được chánh niệm mà không giữ giới luật, cứ mặc tình để cơ thể thỏa mãn hạnh phúc của thế gian thì ta sống như bầy đàn, ta không có hạnh phúc thực tại. Tu thiền là thời gian chúng ta ngồi nhìn lại chính mình, là lúc cần phải nhìn lại và thay đổi quan niệm, thay đổi cái nhìn, thay đổi hành động của chúng ta. Để làm được điều đó, cần rất nhiều thời gian và thực tập thường xuyên, đúng pháp mới có hạnh phúc thực sự.

Muốn thấy được ý muốn của mình cần thấy tâm của mình trước nhất, chúng ta cần có phương pháp, cần có công cụ, đó là phải thực tập chánh niệm. Bài kinh Tứ Niệm Xứ chính là bản đồ để nhìn lại tâm mình, quán chiếu lại hành vi, suy nghỉ của mình. Chánh niệm là gì? Đó là tập trung tâm ý của vào 1chỗ, vào 1 đề mục, không để tâm chạy nhảy lung tung. Muốn có chánh niệm chúng ta phải thường xuyên thực tập hơi thở, huấn luyện tâm của thật thuần thục. Ví dụ, chọn nơi tâm hướng vào là bụng hoặc mũi… chuyển động phòng xẹp của bụng giúp chúng ta tập trung vào đó, khi tâm ý đã có điểm dừng thì không còn chạy nhảy phan duyên đi nơi khác. Nếu không có sự tập trung, thì trạng thái trạo cử, hôn trầm sẽ luôn xuất hiện trong tâm chúng ta. Hương vị giáo pháp của đức Phật sẽ mang lại cho con người sự lợi ích của hạnh phúc thực tại, đây là loại hạnh phúc cao thượng, giúp ta thanh lộc thân tâm.

Đề mục quán niệm hôm nay là kỹ thuận niệm phòng, niệm xẹp nơi bụng. Kỹ năng này giúp ta luyện được tâm mình, thấy rõ tâm mình, đến một lúc nào đó thì có năng lực và nếm được vị ngọt của giải thoát. Hãy chánh niệm trong đời sống hàng ngày, để đạt được hương vị giải thoát cho cuộc đời mình.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ chia sẽ về lý thuyết, Thượng tọa giảng sư đã hướng dẫn chư hành giả thực tập thiền chánh niệm, bao gồm thiền ngồi, thiền đứng, thiền lạy… để họ có cơ hội điều tâm trở về thân, giữ chánh niệm tỉnh thức đạt an lạc ngay đây và bây giờ.

Chương trình tu học được tiếp nối là thời gian chư tôn thiền đức tăng hướng dẫn chư hành giả tụng kinh và lạy sám hối Hồng Danh. Ngày tu thứ hai đã khép lại trong tinh thần hoan hỷ, sự tinh tấn và nổ lực trong mỗi vị tham dự khóa tu là chất liệu quý giá mà BTC đã ghi nhận được trong nụ cười, ánh mắt và thần thái của mỗi người. Hy vọng trong 7 ngày tu tập, với sự nhiệt thành và tâm tự nguyện xuất gia sẽ giúp quý vị tinh tấn chuyển hóa những nổi khổ niềm đau trong cuộc đời.

Xin giới thiệu một số hình ảnh tại khóa tu:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận