CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội

Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội
Tác giả: 
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản: 
Nhà xuất bản Hồng Đức
Năm xuất bản: 
2019
ISBN: 
978-604-89-3603-7
Danh mục: 
Sách do Thích Nhật Từ biên tập

Tác phẩm “Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và ngoài xã hội” là một trong các diễn đàn chính của hội thảo “Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển” do Hội đồng Điều hành HVPGVN tổ chức, nhằm kỷ niệm 35 năm thành lập HVPGVN tại Tp. HCM trong 3 ngày 6-8/11/2019.

Với 37 bài nghiên cứu của các nhà Phật học và các học giả thuộc các lĩnh vực khác nhau, tuyển tập này chia làm 3 phần: (i) Giáo dục đạo đức Phật giáo trong xã hội, (ii) Giáo dục đạo đức Phật giáo vào trường học, (iii) Giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên. Chuyên đề này đón nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của các giáo sư và nhà giáo thuộc các trường Đại học khác nhau trong nước.

Điều này cho thấy đạo đức Phật giáo và thiền học Phật giáo có thể được sử dụng làm nền tảng thực tập và phục hưng nền đạo đức Việt Nam có dấu hiệu suy thoái, do khủng hoảng về lối sống và lý tưởng sống trong một bộ phận giới trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn môn đạo đức học đã bị bỏ ra khỏi chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều thập niên, từ 1954 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam, cho đến một thập niên trở lại đây môn này mới được đưa vào học đường như trước đây.

1. Về giáo dục đạo đức Phật giáo trong xã hội, HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trong bài nghiên cứu “Giáo dục đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với xã hội” cho rằng ba trụ cột đạo đức Phật giáo gồm phòng phi, dứt ác và hành thiện với động cơ cao quý là nền tảng thăng hoa hạnh phúc và giá trị con người. Nền đạo đức Phật giáo từ lâu đã ảnh hưởng đời sống xã hội Việt Nam, góp phần mang lại các giá trị cao quý cho nhân sinh.

Bài “Ý nghĩa của giáo dục Phật giáo trong hình thành nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ” của HT. Dương Quang Điện (Thích Thanh Điện), Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng GHPGVN, được nghiên cứu trên nền tảng mục tiêu, phương pháp và nội dung giáo dục Phật giáo. Theo đó, tác giả phân tích các mặt trái của lối sống tiêu cực, chủ nghĩa hưởng thụ trong giới trẻ dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Tác giả kêu gọi giới trẻ tiếp nhận giáo dục Phật giáo để hình thành nhân cách, lối sống tích cực và cao quý, nhằm xây dựng hạnh phúc và tương lai tươi sáng.

TT. Thích Nhật Từ, Phó Ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN, nhấn mạnh triết học giáo dục của Phật giáo bao gồm giáo dục về tự do khỏi các trói buộc tâm, tư duy và lý luận về chân lý, giáo dục về các giá trị sống nhằm giúp con người đạt được các phẩm chất cao quý bao gồm đạo đức, trí tuệ, giác ngộ và giải thoát. Bên cạnh đó, tác giả giới thiệu bốn phương pháp giáo dục chính của đức Phật gồm: (i) Phương pháp người dạy là trọng tâm, (ii) phương pháp người học là trọng tâm, (iii) phương pháp nhấn mạnh nội dung, và (iv) phương pháp dạy tương tác.

TT. Thích Nguyên Thành, Phó Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Phó Viện trưởng HVPGVN tại Huế, cùng quan niệm như trên trong bài “Giáo dục đạo đức Phật giáo và sự ảnh hưởng đối với xã hội”. Theo tác giả, niềm tin về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, sự tu tập từ, bi, hỷ, xả, tâm vô ngã, lòng vị tha, năm điều đạo đức, mười điều thiện, sáu ba-la-mật và 37 yếu tố giác ngộ... sẽ giúp con người trở nên hiền thiện và có giá trị cho đời, góp phần phát triển đất nước, xây dựng hòa bình trên thế giới.

Sư cô Đồng Hòa trong bài “Giáo dục đạo đức Phật giáo là góp phần an sinh xã hội” chứng minh rằng năm điều đạo đức Phật dạy mang lại hòa bình thế giới, đề cao sự chân thật trong tương quan xã hội, khích lệ sự chung thủy trong hôn nhân, kêu gọi truyền thông chân chính và hữu ích, khẳng định giá trị hạnh phúc gia đình qua việc từ bỏ ma túy và rượu gây say. Ứng dụng năm điều đạo đức, mười điều thiện, bố thí và nuôi dưỡng lòng từ bi là cách tạo nên sự an sinh xã hội một cách bền vững.

Bài “Vai trò giáo dục đạo đức Phật giáo ở Việt Nam” của TS. Lê Đức Hạnh cho rằng đạo đức Phật giáo góp phần phát triển nhân cách người Việt Nam và ổn định xã hội Việt Nam, có giá trị tích cực trong lĩnh vực xã hội, y tế, văn hóa, nghệ thuật và giáo dục.

ĐĐ. Thích Huệ Đạo trong bài “Giáo dục đạo đức Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay” chỉ ra các giá trị cốt lõi của đạo đức Phật giáo gồm hành thiện, từ bi, tu tâm, đoàn kết, tự chủ, khoan dung, yêu nước, hài hòa, vị tha... đã định hướng cho sự phát triển nhân cách, tư duy và lối sống của con người Việt Nam.

Với chủ trương “Giáo dục Phật giáo trong đời sống cộng đồng hiện nay”, TS. Trần Đức Nguyên và ThS. Lưu Ngọc Thành cho rằng tinh thần nhập thế Phật giáo giúp cộng đồng bỏ ác, hướng thiện theo đó, con người trở nên tiến bộ và hạnh phúc hơn.

Bài viết “Vai trò của giáo dục Phật giáo đối với sự phát triển bền vững của TP.HCM” của ThS. Đào Văn Trưởng khẳng định vị trí, vai trò, ảnh hưởng của giáo dục Phật giáo đối với thành phố đầu não kinh tế, tài chánh, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ trên toàn quốc. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp phát triển thành phố theo quan điểm Phật giáo.

TS. Hoàng Thị Anh Đào trong bài “Vai trò của Phật học trong giáo dục hướng thiện và trợ giúp xã hội” tin rằng tư tưởng từ bi, độ lượng, vô ngã, vị tha của Phật giáo được phổ biến trong các khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên Việt Nam đã góp phần định hình nhân cách sống và giá trị sống cho con người Việt Nam.

Với quan điểm “Tầm quan trọng của văn hóa Phật giáo Việt Nam đối với nền giáo dục Phật giáo Việt Nam”, sư cô Thanh Quế lược dẫn lịch sử phát triển của văn hóa Phật giáo Việt Nam góp phần tạo ra bản sắc văn hóa Việt Nam. Qua đó, tác giả đề nghị đưa môn Văn hóa Phật giáo vào chương trình giảng dạy trong các trường Phật học.

“Giáo dục Phật giáo nhìn từ hoạt động giáo dục của mô hình Câu lạc bộ” của ThS. Vũ Ngọc Định kêu gọi phát triển con người toàn diện có tri thức, đạo đức, văn hóa, thể chất, nghề nghiệp trên tinh thần Phật dạy để vượt qua vô minh, vị kỷ, chấp ngã. Theo tác giả, đây là cách bồi dưỡng nhân tài đúng nghĩa, góp phần phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo ThS. Đinh Đức Hiền “Triết lý giáo dục của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam” có ảnh hưởng tốt đẹp đến nếp sống hiền thiện của thanh thiếu niên Phật tử nói chung và các tầng lớp nhân dân nói riêng. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển các giá trị giáo dục của tổ chức này.

Cùng quan niệm như trên, Sư cô Tường Nghiêm trong bài “Đường hướng giáo dục trong tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam” cho rằng Phật giáo là đạo của tuổi trẻ, do đó giáo dục các phẩm chất như tinh tấn, hỷ xả, trí tuệ, từ bi, anh dũng cho thanh thiếu niên là góp phần mang lại hạnh phúc cho con người.

Nói về lợi ích của thiền, ĐĐ. Quảng Hợp qua bài “Chánh niệm Phật giáo ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam” chứng minh rằng chánh niệm và tỉnh thức có khả năng giải phóng căng thẳng, khai thông tâm trí, vượt qua trì trệ, xóa bỏ cố chấp và sai lầm, nhờ đó, con người sống hạnh phúc và hữu ích hơn.

2. Về chủ đề “Giáo dục đạo đức Phật giáo vào trường học”, các tác giả trong tuyển tập này đề nghị truyền bá đạo đức và thực tập thiền định cho học sinh và sinh viên. TS. Trần Minh Đức và ThS. Nguyễn Văn Tiến trong bài “Sự cần thiết đưa Phật giáo vào học đường ở cấp Tiểu học, Trung học, Cao đẳng và Đại học sẽ giúp học sinh và sinh viên tiếp thu các giá trị nhân văn, nhân bản, góp phần dấn thân, cống hiến cho xã hội Việt Nam.

Trong bài viết “Giáo dục thiền dành cho tuổi trẻ”, Ni sư Hằng Liên từ kinh nghiệm thực tiễn của người dạy thiền, đề nghị hướng dẫn thiền hơi thở và thiền minh sát cho thanh thiếu niên, nhằm giúp các cháu trở nên tỉnh thức, chân chánh và chuẩn mực. Nhờ đó, phát triển đạo đức, trí tuệ bên cạnh sự khỏe mạnh về thể chất.

Như tựa đề của bài viết “Thiền trong trường học ở phương Tây và cơ hội tại Việt Nam”, ThS. Phạm Thị Ngọc Thủy dựa vào phong trào thiền được các trường học ở phương Tây áp dụng, kêu gọi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm tương tự để mang lại các lợi ích về sức khỏe thể chất và sức khỏe cảm xúc cho học sinh và sinh viên, giúp các cháu sống hạnh phúc và hữu ích trong đời.

NCS. Lê Tấn Lộc trong bài “Ứng dụng các giá trị của đạo Phật” kêu gọi việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên Việt Nam là trách nhiệm của mỗi gia đình, trường học và các nhà tôn giáo. Theo tác giả, nghiên cứu và áp dụng các giá trị của đạo Phật trong công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên Việt Nam sẽ tạo ra các ảnh hưởng tích cực đối với hành vi và lối sống của người Việt Nam.

Từ góc độ văn học, bài viết “Giáo dục triết lý Phật giáo qua tác phẩm văn học dân gian”, TS. Nguyễn Thanh Tú đề nghị các nhà giáo nghiên cứu các câu chuyện dân gian và truyền trao tư tưởng Phật giáo cho các thế hệ học sinh và sinh viên nhằm giúp các cháu sở hữu được các viên ngọc đạo lý và nhân cách sống cao quý, có lợi ích cho mình và người.

Từ góc độ nghiên cứu liên ngành, ĐĐ. Chấn Đạo qua bài viết “Nhận diện văn học Phật giáo trong văn xuôi Việt Nam hiện đại” cho rằng tư tưởng Phật giáo không chỉ có mặt trong văn học Phật giáo thuần túy mà còn có ảnh hưởng lớn trong văn xuôi Việt Nam hiện đại với tần số lớn. Qua đó, tác giả đề nghị cần có nhiều nghiên cứu về tư tưởng và ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn học Việt Nam.

NCS. Tạ Thị Minh Phương nối kết sự liên hệ “Thiền định và dạy học toán” cần được triển khai và ứng dụng trong các cấp học nhằm tìm ra các chìa khóa rèn luyện sức tập trung, giải quyết các vấn nạn, chuyển hóa căng thẳng, giúp cho học sinh và sinh viên đạt được kết quả cao trong học tập và sống hạnh phúc trong đời.

Sư cô An Diệu trong bài viết “Ứng dụng tâm lý học trong phương pháp giảng dạy” đã đề nghị các trường Phật học nên áp dụng mô hình này. Theo tác giả, phương pháp giảng dạy mới này không chỉ giúp người giảng dạy được các học trò quý kính mà còn có tác dụng định hướng sự ứng dụng những điều được học vào cuộc sống.

Bài nghiên cứu “Các yếu tố hỗ trợ, ứng phó với stress của tín đồ Phật giáo tại TP. Huế” của ĐĐ. Pháp Tịnh là một nghiên cứu định tính đối với 224 nam và 240 nữ Phật tử từ 18-35 tuổi. Kết quả khảo cứu cho thấy các Phật tử có tu học Phật pháp ít bị stress và sống hạnh phúc hơn so với người bình thường. Qua đó, tác giả kêu gọi mọi người thực tập Phật pháp mang lại hạnh phúc cho mình và con người.

ĐĐ. Nguyên Pháp trong bài “Quá trình chuyển hóa cảm xúc” kêu gọi mọi người thực tập thiền Phật giáo để tự kiểm soát, chế ngự và làm chủ các phản ứng cảm xúc, vượt qua tâm lý tiêu cực, nhờ đó, sống hạnh phúc, sống khỏe, sống thọ và hữu ích trong đời.

3. Chuyên đề “Giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên” là nội dung nhấn mạnh sự quan tâm đến đối tượng thanh thiếu niên trong nhà trường. TS. Trần Hồng Lưu qua bài “Giáo dục đạo đức Phật giáo cho trẻ em để phát triển bền vững xã hội” chứng minh rằng những lời Phật dạy về đạo đức có tác dụng định hình, dẫn dắt, soi sáng hành vi và lối sống của tuổi trẻ, nhờ đó, tuổi trẻ sống tốt và hạnh phúc hơn.

TS. Huỳnh Lâm Anh Chương trong bài “Giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi hướng đến thực hành luật nhân quả” nhấn mạnh lợi ích của niềm tin nhân quả, sự thưởng phạt ở hiện tại và kiếp sau. Theo tác giả, giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ theo hướng này có khả năng giúp giới trẻ sợ hãi và xa lánh cái ác, đồng thời huân tập điều thiện, lối sống thiện để đón nhận hạnh phúc ở hiện tại và tương lai.

Bài viết “Giáo dục Phật giáo cho thiếu nhi trong cuộc sống” của NCS. Lý Siều Hải và TS. Huỳnh Lâm Anh Chương cung cấp các thông tin hữu ích về các lợi ích mà việc giáo dục đạo đức Phật giáo trong nhà trường và tại gia đình, góp phần mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Bài nghiên cứu “Giáo dục Phật giáo về thiện cho trẻ em từ góc độ gia đình ở Việt Nam hiện nay” của TS. Phạm Thị Quỳnh được xem là quốc sách. Theo tác giả, giáo dục thiện giúp con người chuyển hóa cái xấu, phát huy mặt tốt, chuyển hóa nghiệp và định mệnh để tạo nên cuộc sống hạnh phúc và có giá trị.

NCS. Nguyễn Thị Thanh Tùng tin rằng “Giáo dục Phật giáo về giá trị sống cho trẻ em vị thành niên hiện nay” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì trẻ em là thành phần dễ bị người xấu dụ dỗ, bắt chước các hành vi lệch chuẩn, sa vào con đường phạm pháp và tội lỗi. Cùng với gia đình và trường học, Phật giáo đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho trẻ em, giúp các cháu sống tích cực và hữu ích hơn.

Bài viết “Giáo dục trẻ em nhìn từ góc độ Phật giáo” của Trần Thị Thanh Hà và ThS. Đoàn Thị Vịnh là chiến lược giúp các gia đình có được con cháu với lối sống chuẩn mực. Theo tác giả, Phật pháp có khả năng giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển đạo đức, trở thành con ngoan, trò giỏi và công dân hữu ích cho gia đình, xã hội.

ĐĐ. Tâm Thông cho rằng “Giáo dục Phật pháp cho thanh thiếu niên hiện nay” là trách nhiệm của các bậc cha mẹ tại nhà, các thầy cô giáo tại trường và các Tăng Ni tại chùa. Tác giả tin rằng khi Tăng Ni năng động hơn trong việc giảng dạy Phật pháp cho thanh thiếu niên sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm tệ nạn xã hội, tránh vi phạm luật pháp, giúp các bạn trẻ có mục đích và lý tưởng sống cao quý.

Cùng quan niệm như trên, sư cô Hòa Nhã cho rằng “Giáo dục Phật giáo cho thiếu niên” cần được quan tâm hàng đầu. Thành công trong việc giáo dục Phật pháp cho thiếu niên ở phạm vi gia đình và xãhội sẽ giúp các cháu có cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi sáng.

TS. Lê Thị Hạnh đề nghị “Vận dụng giáo dục đạo đức Phật giáo cho sinh viên các trường Đại học ở Việt Nam hiện nay” cần được triển khai càng sớm càng tốt. Tác giả cho rằng giáo dục đạo đức Phật giáo giúp cho lối sống sinh viên trở nên hiền thiện, hữu dụng và có giá trị cho mọi người.

Với bài viết “Giáo dục Phật giáo Việt Nam trong việc giáo dục đạo đức cho thanh niên hiện nay”, TS. Nguyễn Thị Liên tin rằng việc làm này cần được nâng thành chính sách giáo dục của quốc gia, theo đó, thói quen và lối sống của thanh niên Việt Nam sẽ trở nên hiền thiện và hữu ích trong mọi hoàn cảnh.

Trong bài nghiên cứu “Giáo dục đạo đức Phật giáo trước lối sống vô cảm của thanh niên hiện nay”, ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho rằng sẽ là quá muộn và có nhiều tác hại nếu gia đình và nhà trường không quan tâm đến lối sống lệch chuẩn của thanh thiếu niên hiện nay. Theo tác giả, đạo đức Phật giáo giúp con người có niềm thông cảm sâu sắc trước nỗi khổ niềm đau của con người, theo đó, dấn thân phụng sự với lý tưởng cao quý, góp phần mang lại hạnh phúc cho nhân loại.

TS. Lương Minh Chung tin rằng “Khóa tu mùa hè: Đường hướng giáo dục nhân cách cho giới trẻ hiện nay” là hướng đi đúng mà Phật giáo Việt Nam đã vận dụng thành công từ năm 2007. Từ mô hình chỉ có chùa Hoằng Pháp và chùa Giác Ngộ khởi xướng, khóa tu mùa hè nay đã được nhân rộng trên toàn quốc. Theo tác giả, mở rộng mô hình này tại tất cả các chùa trên toàn quốc sẽ góp phần mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội Việt Nam.

***

Các bài nghiên cứu về giáo dục đạo đức Phật giáo trong nhà trường và xã hội trong tập sách này phản ánh các vấn nạn suy thoái đạo đức trong giới trẻ, tình trạng trẻ hóa tội phạm cũng như tội phạm trở nên tàn nhẫn hơn ... tại Việt Nam, có gốc rễ từ việc thiếu quan tâm về đạo đức và lối sống của con người Việt Nam. Tiếng nói thống nhất của các nhà nghiên cứu trong tập sách này là sớm đưa môn đạo đức Phật giáo và thiền định Phật giáo vào học đường với các cấp học khác nhau nhằm góp phần cứu vãn tình hình bất ổn nêu trên.

Nếu giáo dục đạo đức Phật giáo có khả năng định hướng thanh thiếu niên trong việc xây dựng mục đích sống, lý tưởng sống cao quý, hữu ích cho mình, có giá trị cho đời thì việc giảng dạy và thực hành thiền trong nhà trường sẽ giúp cho các thế hệ học sinh và sinh viên trở nên điềm tĩnh, sâu sắc, làm chủ nghịch cảnh, vượt qua các biến cố để sống hạnh phúc bây giờ và tại đây.

Các nước phương Tây vốn theo các tôn giáo hữu thần như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo, thế mà nhiều trường học của họ đã mạnh dạn giảng dạy môn đạo đức và thiền định Phật giáo cho học sinh và sinh viên. Tương tự, nhiều nhà tù tại Ấn Độ vốn theo Ấn Độ giáo và nhiều nhà tù tại Hoa Kỳ vốn theo Tin Lành giáo và Thiên Chúa giáo lại mạnh dạn đưa thiền học Phật giáo vào trại giam, cho phạm nhân thực hành.

Tôi tin rằng, không chóng thì chày, Việt Nam sẽ đưa môn đạo đức Phật giáo và thiền định Phật giáo vào trường học và trại giam để góp phần chuyển hóa nhân cách, bình ổn xã hội, đề cao lý tưởng sống cao quý, giúp con người làm mới cuộc sống, trở nên hạnh phúc, hữu ích hơn, góp phần phát triển đất nước Việt Nam, mang lại hạnh phúc và hòa bình trên thế giới.

HVPGVN, Cơ sở Lê Minh Xuân, ngày 20-11-19

TT. Thích Nhật Từ

Bình luận