CHÙA GIÁC NGỘ
Pháp Âm Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Giác Ngộ: Khóa tu "Tuổi Trẻ Hướng Phật" lần thứ 16

‘’Bí quyết của tôi chỉ có hai chữ tu và học, các bạn tu chừng nào thì các bạn học dễ chừng đó và các bạn học chừng nào các bạn làm hiệu quả chừng đó’’. Các bạn trẻ với trình độ lớp 12 trở lên thì việc nghe, nghiền ngẫm, hiểu và áp dụng các dụ ngôn trong đời sống thực tiễn là không quá khó khăn. Bạn hãy đến khóa tu tại chùa Giác Ngộ để được  tu, được học, được nghe, được tư vấn. Khóa tu “Tuổi trẻ hướng Phật’’ lần thứ 16: 27-08-2017(06-07 Đinh Dậu) tại chùa Giác Ngộ TP. HCM đã trang nghiêm diễn ra tại đây.

Mở đầu chương trình là  thời khóa tụng kinh, bài kinh được trì tụng trong mùa Vu Lan báo hiếu là Kinh Vu lan bồn, đây là bản kinh do TT. Thích Nhật Từ biên soạn thuần Việt hóa, được trì tụng trong mùa Vu Lan báo hiếu, nhằm nhắc nhở những người con Phật nhớ đến công ơn cha mẹ sinh thành.

Trong thời thiền tọa do ĐĐ. Thích Ngộ Phương hướng dẫn, đây là thời thiền tọa dành cho mẹ: ‘’Con tiếp xúc với cha bằng hơi thở nhiệm màu. Bằng bước chân chánh niệm. Bằng những lúc ngân nga hát thiền ca.’’ Hơi thở này con dành cho cha, Hơi thở này con dành cho mẹ. Cười và thở. Thở nhẹ, thở sâu, miệng mỉm cười để bình an trước khi vào khóa tu tập.

Tiếp nối chương trình, các tu sinh cùng nhau hát Đạo ca do ban nhạc trẻ trình bày và hướng dẫn với những ca từ hát tặng mẹ, tặng cha nhân mùa Vu Lan đã làm thổn thức bao cõi lòng các tu sinh.

Chương trình: "Gương sáng"

Các bạn trẻ đã được gặp gỡ Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến, nhà văn, nhà phiên dịch. Ông đã có hơn 60 đầu sách xuất bản. Đặc biệt ông đã được Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 chấp nhận cho dịch toàn bộ tác phẩm của Ngài.

 

Cái tên Nguyễn Minh hay Nguyễn Minh Tiến trở nên rất quen thuộc và gần gũi với độc giả nhất là trong giới Tu sĩ, nhà nghiên cứu và gần đây là tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh bởi ông là người đã hiệu đính, biên tập, soạn dịch hàng loạt cuốn sách nổi tiếng của Phật giáo như: Lược sử Phật giáo thế giới; Kinh Bi Hoa; Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh; Tứ Diệu Đế; Quy Sơn cảnh sách. Cùng những trang sách Ai làm khổ tôi, nắng mới bên thềm xuân, Hạnh phúc là điều có thật, Ai vào địa ngục…

Không ai vừa sinh ra có thể lựa chọn được nơi sinh ra của mình, các tu sinh đã được nghe nhà văn chia sẻ về tuổi thơ của mình. Ông đã lưu lạc khắp nơi, ông lưu lạc không phải vì đói nghèo mà vì những biến cố chiến tranh khắc nghiệt quá, mẹ ông chỉ muốn tìm một nơi yên ổn, bình yên hơn. Ông cũng như bao nhiêu người thời đó không có tuổi thơ yên ấm và được học hành như các bạn trẻ thời nay.

Mới 11-12 tuổi trong ông đã có một trăn trở: ‘’Nếu con người sinh ra và chết đi, thế thì ý nghĩa của quãng đời từ lúc chào đời và lớn nên rồi chết đi nó là cái gì, tại sao phải như vậy, sao mà nhạt nhẽo như thế?’’. Ông đã có một phản kháng khi cha mẹ bắt theo đạo Phật. Trong khi các bạn bè theo các tôn giáo khác mà cha mẹ lại chỉ bắt theo đạo Phật, biết đâu các tôn giáo khác lại dạy cho ông những điều hay hơn, tốt đẹp hơn. Bước ngoặc lớn nhất của cuộc đời ông là được ba gửi vào ở nội trú trong một ngôi chùa và từ đó ông có điều kiện tiếp xúc với đạo Phật và chính lúc đó, ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo khác. Ông đã đọc rất nhiều sách và kinh sách của các tôn giáo kể cả Kinh Koran để từ đó ông so sánh chứ không chịu sự áp đặt như thế. Cuối cùng ông đã nhận ra rằng không có một tôn giáo nào, một giáo pháp nào lại khoa học và hợp lý như là đạo Phật. Từ đó ông đã quyết định theo đạo Phật mà không vì một sự áp đặt nào.

Ông đã hấp thu được một nền Hán học uyên bác từ người cha và đó cũng là một nét đặc biệt trong đời để rồi ông được đắm mình trong biển cả giáo pháp thiêng liêng của đức Phật. Từ đó ông đã âm thầm cống hiến không mệt mỏi những tác phẩm cho đời.

Các tu sinh được nghe ông chia sẻ về việc học, nhất là lý do về học chữ Hán bởi một niềm thao thức, một động cơ duy nhất khi đọc một câu Kinh không hiểu. Bởi có quá nhiều chữ Hán và cùng với câu hỏi có bao nhiêu người không hiểu Kinh Phật  như mình.   

Các tu sinh rất lý thú và tâm phục khi được nghe ông chia sẻ cụm từ ‘Tu học’ và đó cũng là bí quyết mà ông chia sẻ cho các bạn tu sinh áp dụng vào trong cuộc đời: làm gì và học gì thì cũng phải tu trước rồi mới học.

Để các bạn tu sinh dễ dàng tiếp cận được tủ sách ‘’Rộng mở tâm hồn’’ do chính nhà văn sách tác, soạn dịch và biên soạn, xuất bản. Ông đã hướng dẫn và giới thiệu cho các bạn trẻ nào muốn tìm hiểu về đạo Phật, các bạn mới tốt nghiệp Trung học đang đứng trước ngưỡng cửa chọn cho mình một ngành nghề hay các sinh viên mới ra trường  hay các bạn đang có cuộc sống đầy những bộn bề, phức tạp... Các bạn đều có thể tham khảo trong tủ sách Rộng mở tâm hồn.

Trong các tác phẩm đã xuất bản trong đó có bộ kinh‘’Đại bát niết bàn’’ là bộ sách dày nhất, lớn nhất với hơn 4700 trang đã được xác lập kỷ lục. Các tu sinh được nghe ông kể về quá trình thể hiện chuyển đổi bản văn có chữ Hán sang bản văn không có chữ Hán trên hệ điều hành windows trên máy tính.

Trong phần giao lưu, bạn đặt câu hỏi đã rất hay, người trả lời lại càng hay hơn.

Cuối buổi chia sẻ, ông đã kể về một giấc mơ hồi trẻ về vị Bồ tát Quan âm mà cũng chính là mẹ ông khi tỉnh giấc mơ. Nên nhân mùa Vu Lan ông muốn gửi tới tất cả các bạn trẻ rằng: ‘’Nếu bạn nào còn mẹ hãy biết rằng đó là Bồ tát Quan Âm là Phật Quan Âm trong nhà và nếu người nào còn cha thì đó là người thầy vĩ đại nhất’’.

Chương trình pháp thoại

Cũng đã rất lâu rồi các bạn trẻ trong khóa tu Tuổi trẻ chưa được nghe Thầy giảng bởi phận sự dày đặc của thầy. Ngay sáng nay, Thầy đã cùng với lãn đạo Học viện Phật giáo  tại TP. HCM làm lễ Tự tứ mãn hạ cho trên 375 Tăng Ni sinh tại Học Viện, cơ sở 2 tại Lê Minh Xuân. Chiều nay, TT. Thích Nhật Từ  mới có mặt tại chùa để chia sẻ bài pháp thoại với chủ đề: ‘’Chân lý Phật qua dụ ngôn’’.

 

Theo Thầy, chân lý là một khái niệm trìu tượng mặc dù nghĩa đen của nó là sự thật nhưng sự thật được đánh giá theo tiêu chí nào, tiêu chuẩn nào? Đã tạo ra rất nhiều dị biệt và tranh cãi. Nên khái niệm chánh pháp hay  là pháp được dịch sát nghĩa là chân lý Phật. Có những chân lý dù rất đơn sơ nhưng không dễ dàng hiểu được, đôi lúc chúng ta phải mượn đến những câu chuyện dụ ngôn với hình ảnh của sự vật mà trong đời sống thực tiễn rất quen thuộc với chúng ta mà nói nên, kể ra, ai cũng biết tính năng, giá trị  và những giới hạn của nó. Vay mượn các hình ảnh dụ ngôn, đức Phật muốn lột tả giá trị chân lý mà ngài nỗ lực hiến tặng cho tất cả chúng ta.

 

Dụ ngôn là một bản chất văn học đặc biệt. Trong kinh đức Phật khẳng định nhiều lần: ‘’Người trí do ví dụ mà hiểu sâu’’ Sự xuất hiện các hình ảnh rất quen thuộc trong các dụ ngôn sẽ làm cho chúng ta hiểu sâu được chân lý mà không phải trải qua các tình trạng.

Với 5 dụ ngôn sau: i) Lá trong tay và lá trong rừng (Kinh Tương ưng phần 56 mục 33); ii) Như trái Amla trong bàn tay (Kinh Hành xanh thuộc kinh Trung bộ bài 120); iii) Như ngón tay trỏ mặt trăng (Kinh Viên giác tập 17 tr 917 bản chữ Hán); iv) Nghệ thuật bắt rắn ( Kinh Trung bộ bài 22, Kinh Dụ ngôn người bắt rắn); v) Chân lý chỉ là chiếc bè ( Kinh Trung bộ bài 22 hay Kinh Năng đoạn kim cang bát- nhã- ba- la- mật).

Trong 5 dụ ngôn thầy chia sẻ thì có 1 dụ ngôn được chia sẻ trong kinh điển Đại thừa, còn lại là các dụ ngôn được trích lục từ kinh tạng Pali, mảng kinh văn được được xem là gần nhất với những gì đức Phật đã dạy. Cho nên khi nghe từng dụ ngôn một, các bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ, vì với trình độ lớp 12 trở lên mà phần lớn ngày hôm nay là các sinh viên đại học thì việc nghe, nghiền ngẫm, hiểu và áp dụng các dụ ngôn trong đời sống thực tiễn là không quá khó khăn. 

Một ngày tu học đã mang lại nhiều giá trị lợi lạc khi bước chân tới ngôi chùa Giác Ngộ!

Xin tạm biệt và rất mong được gặp lại các bạn trẻ vào khóa tu ‘Tuổi trẻ Hướng Phật’ Kỳ 17: 24-09-2017(05-08 Đinh Dậu); Khóa tu ‘Ngày an lạc’ kỳ 27: 03-09-2017(13-07 Đinh Dậu); Khóa tu Thiền Kỳ 8: 10-09-2017(20-07 Đinh Dậu).

Bình luận